Giới thiệu chung

Phù Lỗ tên nôm là làng Sọ, một vùng quê rất cổ, có con sông Cà Lồ chảy kề bên, nổi tiếng từ hơn 5 thế kỷ trước. ở đây còn lưu truyền một truyền thuyết kể về Thánh Gióng từng dừng chân ở làng Sọ, gội đầu tại một cái giếng của làng rồi mới đi đánh giặc Ân.

 

Còn nhiều dấu tích ngôi giếng này tại đền Tam Tổng của Phù Lỗ. Trên tấm bia Trùng tu Thiên Tuế tự lập năm Thịnh Đức thứ hai, 1645, đã ghi vào Đông thôn; và ở tấm bia Tại phúc Vinh Thiền tự lập năm Vĩnh Hựu thứ năm, 1739, đã ghi Đoài thôn. Như vậy, từ thời Lê Trung Hưng, Phù Lỗ là một xã thuộc tổng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc. Đến năm Minh Mạng thứ hai, 1821, phủ Bắc Hà được đổi gọi là Thiên Phúc. Đời Thiệu Trị (1841-1847 vì kị húy, nên huyện Kim Hoa đổi tên gọi là Kim Anh. Sang đời Đồng Khánh (1886-1888) huyện Kim Anh lại đổi gọi là Đa Phúc. Đến 1901, Đa Phúc được tách khỏi Bắc Ninh, nhập vào tỉnh mới thành lập mang tên Phù Lỗ, và làng Phù Lỗ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Phù Lỗ. Một thời gian sau, tỉnh lỵ chuyển sang làng Tháp Miếu tức thị trấn Phúc Yên ngày nay, và tỉnh Phù Lỗ được đổi gọi là tỉnh Phúc Yên. Sau năm 1945, chính quyền Dân chủ cộng hòa lại cho lập xã Phù Lỗ Đông và Phù Lỗ Đoài. Đến năm 1961, ba xóm là Tiên, Nguyễn và Núi của thôn Đoài được tách ra và nhập vào xã Nguyên Khê thuộc huyện Đông Anh. Đến 1977, xã Phù Lỗ thuộc huyện Sóc Sơn, và từ năm 1979, Sóc Sơn là một huyện ngoại thành Hà Nội. Chia tách và chuyển nhập như vậy, nhưng trong tâm thức người dân, Phù Lỗ là một vùng quê cổ kính, tên nôm là kẻ Sọ, gồm cả Phù Lỗ Đông và Phù Lỗ Đoài, chung một truyền thống văn hiến từ ngàn xưa.

 

Từ xưa, Phù Lỗ đã có một hệ thống đình, chùa, đền miếu bề thế, không may trong binh lửa các đời, nhất là trong kháng chiến chống Pháp, các di tích bị tàn phá nhiều. Nhờ sự góp công của khách thập phương và dân các làng, nhiều di tích đã được phục dựng. Ngôi chùa Thiên Tuế ở thôn Đông hiện còn lưu giữ hai di vật quý giá, đó là tấm bia Trùng Tu Thiên Tuế tự lập ngày 28 tháng 1 năm 1645; và, quả chuông Cảnh Thịnh đến nay vẫn khá nguyên vẹn. Bia đá Trùng Tu Thiên Tuế là tấm bia cỡ lớn, cổ kính, đẹp đẽ về kiểu dáng và hoa văn. Văn bia do Tiến sỹ, Thượng thư bộ Lại kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Dương Quận Công Nguyễn Nghi soạn. Văn Bia cho biết, chùa Thiên Tuế là ngôi cổ tự, một danh lam, từ thời Trần có vị Quan Không Thiền sư trụ trì. Trong thời Mạc có một lần trùng tu chùa. Nhưng rồi binh lửa lại khiến chùa bị hư hại nhiều, đến năm Giáp Ngọ 1654, lại có trùng tu lớn từ Rằm tháng Ba đến Rằm tháng Mười thì hoàn thành. Văn chỉ của Phù lỗ đặt ở thôn Đoài, bên mé đông của đình làng, đến nay còn lưu giữ tấm bia lớn, hai mặt đều khắc chữ. Một mặt lập tháng Chạp năm Long Đức thứ Ba, 1734, chữ đã mờ gần hết. Mặt sau lập tháng Ba năm Cảnh Hưng thứ 20, 1761, ghi tên những người ở Hội Tư văn của làng. Ngôi đền Ba Voi thờ bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lẫy, Trương Lừng. Trong đó, Trương Hống và Trương Hát được phong là Châu Lang Đại Vương. Đền có tên là Ba Voi là do tương truyền ba con voi trận của Châu Lang Đại vương đã chạy từ xa về đến Phù Lỗ thì ở lại đây. Khá đặc biệt, Phù Lỗ Đoài có ngôi Miếu Bà là nơi thờ một người phụ nữ của  làng, là bà Ngô Chi Lan, một danh sĩ nổi tiếng văn đàn Việt nam thế kỷ XV. Bà là vợ của danh nhân Phù Thúc Hoành, người làng Phù Xá kề bên. Ngô Chi Lan có tài văn chương, được vua Lê Thánh Tông vời vào triều dạy các cung nữ, phong cho bà chức Phù gia nữ học sĩ, người đời hay gọi là Phù học sĩ. Sau khi bà qua đời, dân làng lập đền Phù học sĩ để thờ, dân làng thành kính gọi là Miếu Bà.

 

Từ xưa, Phù Lỗ được thiên hạ ngưỡng mộ là một vùng quê văn hiến và khoa bảng. ở đây có 5 vị đỗ đại khoa, đều là người Phù Lỗ Đoài. Khai khoa cho Phù Lỗ là hai anh em Nguyễn Dương Hiền và Nguyễn Tịnh, cùng đỗ khoa ất Mùi 1475 đời vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Dương Hiền sau làm quan đến chức Thiêm Đô ngự sử, Nguyễn Tịnh thì làm đến chức Đô cấp sự trung. Và, người em của họ, là Nguyễn Thận Lễ, lại đỗ Tiến sỹ  khoa Đinh Mùi 1487, đời Lê Thánh Tông. Vị Tiến sỹ thứ 4 của làng Phù Lỗ là cháu của Nguyễn Dương Hiền, Hoàng giáp Nguyễn Đôn Mục đỗ khoa Đinh Mùi 1547 đời Mạc Phúc Nguyên. Nguyễn Đôn Mục sau làm quan đến chức Hàn lâm viện. Người Phù Lỗ thứ 5 đỗ Tiến sỹ là Đoàn Chú sinh năm 1715, đỗ Hoàng giáp khoa Bính Dần 1746, đời vua Lê Hiển Tông. Đoàn Chú sau làm quan đến chức Tả Thị lang, được phong Diễn Trạch hầu.

 

Ngoài 5 người đỗ đại khoa kể trên, Phù Lỗ còn khá nhiều vị đỗ trung khoa và tiểu khoa. Trong đó có Đoàn Trinh làm quan Huấn đạo Bắc Ninh và là người có công xây dựng đền Sóc. ở Phù Lỗ có dòng họ Trịnh gốc Thanh Hóa chuyển cư ra, ở cả thôn Đông cả thôn Đoài, là dòng họ phát đạt về ngạch võ. Trịnh Tự Đình, còn có tên là Tự Quyền, đỗ Tạc sỹ (Tiến sỹ võ) khoa Giáp Tuất 1754, sau làm quan Trấn binh Hải Dương, ba vị đỗ Tạc sỹ khác đều là con của Trịnh Tự Đình: Trịnh Tự Hiển đỗ khoa Kỷ Hợi 1779; Trịnh Tự Thuần và Trịnh Tự Thức cùng đỗ khoa ất Tỵ 1785. Dòng họ Trịnh này còn có nhiều người làm quan võ nữa, trong đó có Trịnh Đức làm Quản binh của huyện Đông Ngàn, Đốc vận binh lương, đã cùng Tổng đốc Hoàng Diệu cố thủ thành Hà Nội... Trong nhiều thế kỷ, người Phù Lỗ sau khi đỗ đạt, cả về văn võ, đều đi làm quan ở nhiều nơi và để lại tiếng thơm trong xã hội. Bởi thế, trong dân gian có câu “Quan làng Sọ như lọ Thổ Hà” (Quan làng Sọ nhiều như lọ gốm do làng Thổ Hà - Bắc Giang làm ra).

 

Từ xưa, Phù Lỗ đã là một đầu mối giao thương lớn phía bắc Thăng Long, nằm nơi giao điểm của hai con đường thiên lý, nay là Quốc lộ 2 và Quốc lộ 3. Ngay từ đời vua Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa thứ bảy, 1449, nhà Lê đã cho đào sông Bình Lồ, tạo nên con đường thủy từ Lãnh Canh (Thái Nguyên), về qua Phù Lỗ, thông suốt đến Bình Than (giáp thị trấn Nam Sách, Hải Dương ngày nay). Khu vực cầu Phù Lỗ là một bến bãi bằng phẳng từ xưa. Chợ Sọ (chợ Phù Lỗ) từ hơn 5 thế kỷ trước đã được mở ngay bến sông, nổi tiếng thiên hạ, như sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi: Chợ họp mỗi tháng 6 phiên sầm uất, trên bến nước dưới thuyền, với đủ loại hàng hóa nông sản trong vùng và nông sản từ miền thượng du đưa về. Cùng với việc buôn bán phát đạt, từ lâu đời, người Phù Lỗ có nghề làm hương thơm nổi tiếng. Hương Phù Lỗ sản xuất quanh năm, nhưng rộ lên nhất là từ Rằm tháng Tám đến Tết Nguyên đán. Vùng quê này có câu ca nói lên niềm tự hào về quê hương của mình:

Hỡi cô thắt bao lưng xanh

Có về Phù Lỗ với anh thì về

Phù Lỗ có cây bồ đề

Có ao tắm mát có nghề làm hương...

              Tháng 5-2007