Tin tức sự kiện tiêu biểu

ĐÌNH LÀNG PHÙ LỖ ĐÔNG - NƠI HỘI TỤ TINH HOA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
Ngày đăng 25/11/2023 | 10:44  | Lượt truy cập: 29

Trong tâm thức người Việt tự xưa,"cây đa, bến nước, sân đình" vẫn vẹn nguyên hình ảnh gợi nên biết bao thân thuộc. Đình làng là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.

Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Vì lẽ đó, bất cứ ai đến đây, đều bị níu chân bởi vẻ đẹp kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng tinh xảo, cổ kính, không bề thế, phô trương mà rất gần gũi, thân thiết. Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian.

Đình làng Phù Lỗ Đông ở vị trí đắc địa Xóm Đồng, phía Tây trước mặt là quốc lộ 3, kề phía Bắc là ngã ba, rẽ trái đi Phúc Yên, rẽ phải đi Bắc Ninh, Phía Bắc đi Thái Nguyên, xuôi phía Nam đi Thăng Long – Hà Nội, giao thông thuận lợi.

Phù Lỗ Đông ngày xưa có 11 dòng họ, họ đông nhất là dòng họ Ngô, Họ Trịnh, họ Đoàn, họ Nguyễn. Xưa và nay Phù Lỗ Đông có nhiều vị thành đạt khoa bảng. Ngạn ngữ vùng này có câu “ Quan Kẻ Sọ như lọ Thổ Hà”.

Các cụ thượng thọ trong làng còn nhớ Đình làng ngày xưa, ngôi Đình năm gian, hai dĩ, một hậu cung. Sân Đình có nhiều cây đại thụ tạo cảnh quan thoáng mát trước sân đình. Trước Đình có tam quan và hai cây bàng (giờ còn một cây phía bắc). Đường đi ở giữa tả hữu có hai vuông ao mang ý tưởng thủy đọng tiền đường. Đình Phù Lỗ Đông bề thế so với đương thời.

Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại và theo tài liệu “Các làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội” do nhà dân tộc học tiến sĩ Bùi Xuẫn Đính và tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, theo danh sách “Các triều đại Việt Nam” của hai nhà sử học học Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng. Chúng ta hiểu rằng: Đình làng Phù Lỗ Đông có từ lâu đời, thờ Thành Hoàng Đức Thánh Tam Giang được sắc phong là Châu Lang Đại Vương (Nghĩa là quan lang của một châu được phong Đại Vương). Cùng thờ người có công như Dương Đại Vương, Trương Quán Đại Vương, Châu Lang Đại Vương tên thật là Trương Hát. Năm anh em họ Trương là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và em gái Trương Mỵ Nương; Phò Triệu Việt Vương, Triệu Quang Phục thế kỷ thứ VI. Trấn ải phòng tuyến sông Nguyệt Đức (sông Cà Lồ ngày nay) đánh thắng giặc Lương (Trung Quốc). Năm 550 giữ gìn nước Vạn Xuân. Triệu Việt Vương thất triều, họ Trương chỉ theo một vua, cùng tuẫn tiết ở ngã ba Sà.

Người đời cảm kích tri ân suy tôn: Đức Thánh Tam Giang. Trải dài Thượng ngẫn Ba Mít hạ ngã Ba Sà 38 làng thờ với lòng ngưỡng mộ: “Sinh vi lượng tướng, tử vi thần nhất môn trung nghĩa Công tại Nam Bang, Danh tại sử thiên cổ anh hùng”

Đình làng là trung tâm thường trực của Đảng, ủy ban hành chính, hợp tác xã nông nghiệp các thờ kỳ.

Sân đình tập trung bao đêm văn nghệ sôi nổi do trai tài, gái giỏi trong làng biểu diễn, rất ấn tượng như vở chèo “Cô gái sông Lam”.

Năm 1996 lo vật tư gỗ lạt, hai năm sau mới khởi công xây dựng đình, tiêu biểu như cụ Đoàn Địch, cụ Trịnh Tuấn Lung, Cụ Trịnh Đắc, cụ Trịnh Hậu .... và còn nhiều người khác.

Về kinh phí và hiện vật được toàn dân công đức. Tiêu biểu có 176 đầu mối hảo tâm là các dòng họ, các nhà doah nghiệp, các trung tâm tín ngưỡng, các cơ quan, các cá nhân công đức. Năm 2021 đình tiếp tục được tu bổ nội ngoại thất. Giờ đây ngôi đình làng đã khang trang tố hảo. kinh phí tu sửa do nhân dân trong làng và các nhà hảo tâm cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn xã hao tâm công đức.

Nhiều người Phù Lỗ còn nhớ câu xưa:

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về Phù Lỗ với anh thì về

Phù Lỗ có gốc Bồ Đề

Có ao tắm mát, có nghề làm hương”

Hiện nay Đình là nơi tế lễ, dâng hương mùng một hôm rằm, lễ hội truyền thống là nơi hội họp của Đảng, chính quyền, đoàn thể, sân đình cây xanh bóng mát là nơi diễn ra các hoạt động cho thanh thiếu niên nhi đồng trong dịp hè cũng như tết trung thu, là nơi hoạt động các câu lạc bộ dưỡng sinh, dân vũ, là nơi giao lưu văn nghệ, thể thao... luôn đầy ắp tiếng cười và niềm vui của nhân dân trong toàn xã.

Dân làng tự hào và luôn ghi nhớ ngày Lễ hội truyền thông Đình làng Phù Lỗ Đông, giỗ Thành Hoàng Làng là ngày 11 tháng 10 âm lịch hàng năm. Cứ mỗi dịp 11/10 âm lịch, bà con nhân dân lại tới thắp hương, dâng hoa và thể hiện tấm lòng thành kính. Có nhiều người học hành đỗ đạt lại kéo đến đình làng dâng hương hoa. Họ chọn đình làng làm nơi làm lễ “vinh quy bái tổ”. Có vị khi đỗ Tiến sĩ về làng làm cỗ dâng cúng Tổ tiên và chia vui với bạn bè. Hay là nơi hội họp mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi con cháu trong làng thắp hương tế cáo mỗi dịp đi xa, mỗi dịp thành công trở về làng. Nét xưa đó vẫn tiếp tục được người làng trân trọng lưu giữ cho muôn đời sau.

Có ngôi đình làng tình người gần lại, dân thôn xóm ngõ yên vui, đồng lòng thực hiện tốt chủ trương, pháp luật của Đảng, nhà nước và địa phương. Quyết tâm hoàn thành mọi tiêu trí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023 tiến tới xây dựng đô thị văn minh.

Có thể thấy rằng, giữ gìn phát huy nét văn hóa cổ truyền đậm đà văn hóa Việt Nam nói chung và các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn xã Phù Lỗ nói riêng là việc làm cần thiết và quan trọng để các thiết chế văn hóa này còn sống mãi theo thời gian, là nơi giáo dục cộng động, truyền tải văn hóa hồn quê Việt tới muôn đời thế hệ sau.

Bản đồ hành chính