Du lịch phù lỗ

CHÙA VẠN PHÚC – CHÙA ĐẸP, LINH THIÊNG TẠI XÃ PHÙ LỖ
Ngày đăng 03/12/2023 | 02:01  | Lượt truy cập: 127
Nằm bên dòng sông Cà Lồ quanh năm nước chảy hiền hòa, bốn mùa gió đưa, Chùa Vạn Phúc của làng Đoài - Xã Phù Lỗ - Huyện Sóc Sơn tọa lạc trên thế đất “Thanh Long ngậm thủy” thuộc dải địa lý “Hồi sơn cố Tổ” tức là quay nhìn về quê cha đất Tổ. Đây là một thế đất linh thiêng và rất vượng khí.
Tương truyền, chùa có niên đại từ thời nhà Trần. Đất chùa từng là nơi diễn ra trận cản phá của nghĩa quân Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chống lại quân Nguyên Mông lần thứ nhất vào năm Đinh Tỵ 1258.
Đây cũng là nơi Ngô Thì Nhậm - Một trọng thần của nhà Lê ẩn tu vào thế kỷ XVIII. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa đã bị phá hủy hoàn toàn và duy nhất còn lại đến ngày nay là quả chuông được Ngô Thì Nhậm cho đúc vào thời Cảnh Hưng thứ 6 năm 1798. (Hiện quả chuông này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc). Chùa có diện tích hơn 10.000 m2 ở phía Bắc cầu Phù Lỗ. Ban đầu chùa rất hoang sơ chỉ còn lại là đống gạch ngói đổ nát, nhiều năm chùa không có sư trụ trì.
Ngày 29 tháng 10 năm Đinh Sửu (1997) thể theo nguyện vọng của quần chúng nhân dân và được sự đồng thuận nhất trí, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và sự hảo tâm góp công, góp của từ nhân dân địa phương và quý khách thập phương, hội người cao tuổi làng Đoài chính thức khởi công trùng tu xây dựng lại ngôi chùa xưa. Sau 16 tháng thi công, chùa Vạn Phúc đã hoàn thành tuy còn nhỏ và đơn sơ nhưng đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của người dân làng Đoài.
Phật pháp vi diệu, trời đất không phụ lòng người, ngày 17 tháng Chạp năm Canh Thìn (2000) Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP. Hà Nội và Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ Phó BTS GHPGVN TP. Hà Nội, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. Hà Nội chính thức về nhận chùa trong niềm đại hoan hỷ của bà con nhân dân địa phương và sự đồng thuận ủng hộ của lãnh đạo chính quyền các cấp.
Dưới sự chỉ dạy và công đức của Hòa thượng Viện chủ, Thượng tọa trụ trì và Chư Tăng chùa Vạn Phúc trong hơn 20 năm qua đã đồng tâm nhất trí cùng với nhân dân địa phương xây dựng ngôi già lam ngày càng khang trang tố hảo. Nhiều hạng mục công trình với kiến trúc độc đáo đã được hoàn thành. Ngôi Tam Bảo trang nghiêm uy nghi với tượng Phật, tượng đức Ông, tượng đức Thánh, hoành phi câu đối đều được sơn son thếp vàng; Đúc Đại Hồng Chung nặng hơn 500 kg; nhà Tổ thờ Thập Tam Tổ Tịnh Độ - 13 vị sư Tổ của Tịnh Độ Tông. Vườn tượng với Thập Đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca...
Đặc biệt là Tịnh Thất Quan Âm được xây dựng theo kiến trúc chùa Một Cột với tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn (Nghìn mắt nghìn tay) được thiết kế hai mặt đăng đối rất tinh xảo độc đáo, thiêng liêng.
Trước đây chùa Vạn Phúc thuộc Sơn môn Lã, theo dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Sau này Chư Tăng đã kết hợp hai dòng tu Thiền và Tịnh Độ Tông thành pháp môn Thiền Tịnh Song Tu thuộc Tổ đình Bồ Đề. Đạo tràng tu học ngày một tinh tấn và phát triển sâu rộng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương mà Phật tử khắp nơi còn tìm về tu học rất đông nhất là vào các dịp lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan Báo Hiếu... hoặc Lễ hội vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm.
Cuộc sống của nhân dân ngày một no ấm, bình an. Thế hệ trẻ cũng đến chùa nhiều hơn qua các khóa tu mùa hè, qua Lễ hằng thuận...Do đó các tệ nạn xã hội cũng giảm đi rất nhiều.
Với phương châm “Phật Pháp bất ly thế gian Pháp”, năm 2017 Tuệ Tĩnh Đường đầu tiên ở miền Bắc được xây dựng trong khuôn viên của chùa Vạn Phúc. Đây là nơi khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân địa phương và các vùng lân cận, các đối tượng chính sách, các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.... Tiêu chí của Tuệ Tĩnh Đường Vạn Phúc là “Thuốc Nam Việt chữa bệnh người Nam Việt” (Tuệ Tĩnh Thiền Sư) đã nhận được sự hoan nghênh hưởng ứng ủng hộ nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể và quần chúng nhân dân.
Cùng với sự phát triển của Tuệ Tĩnh Đường, nhiều công trình đã được tiếp nối làm cho cảnh chùa ngày một trang nghiêm tố hảo cho những ai đi xa mới trở về...
Năm 2018, để bảo vệ con sông Cà Lồ thơ mộng hiền hòa và chống sạt lở đất ở bên bồi, gần 500m (dài) bờ sông đã được kè bê tông chắc chắn; Năm 2018 cũng là một dấu ấn với chùa Vạn Phúc khi Khóa I lớp Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc được đặt tại đây và Văn phòng lớp Đào tạo Giảng sư ra đời với đầy đủ phương tiện...Công trình thư viện với hơn 5000 đầu sách rất phong phú từ Kinh - Luật - Luận đến sách nghiên cứu về văn hóa lịch sử, góc phố Hà Nội...phục vụ kịp thời cho việc học tập của Tăng Ni sinh.
Năm 2019 Điện Viên Thông thờ Bồ Tát Quán Thế Âm được hoàn thành trong niềm hoan hỉ vô biên của Chư Tăng Ni và Phật tử. Đây là một công trình nghệ thuật có kiến trúc độc đáo với những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo từ đội bàn tay của những nghệ nhân thành Nam. Chân dung vô tướng hiện thân của 12 vị Bồ Tát Quan Âm Tự Tại bằng đồng được thiếp vàng đẹp vô cùng và những đồ thờ tự truyền thống từ Gốm Bát Tràng càng làm cho không gian nơi đây linh thiêng huyền ảo.
Năm 2020, cổng Tam quan uy nghi trầm mặc soi bóng bên sông Cà Lồ vào những chiều hoàng hôn càng làm cho cảnh chùa thêm thơ mộng bình yên làm dịu lòng những bước chân của khách vãn cảnh, đi lễ. Đồng thời Bảo tháp cộng đồng - một công trình kiến trúc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để thờ Xá Lợi Phật và sẽ là nơi lưu dấu tro cốt của Chư Tăng và Phật tử cũng là điểm nhấn quan trọng không gian vườn chùa.
Đặc biệt, năm 2021 hoàn thành xây dựng “Diệu Thắng Điện” thờ Thánh Mẫu. Đây là công trình được đầu tư rất công phu, chọn lựa tinh tế từ viên gạch lát cho đến vật dụng thờ cúng... đều đạt giá trị thẩm mĩ cao cả về kiến trúc lẫn mỹ thuật điêu khắc. Điện Diệu Thắng là công trình nhằm giữ gìn phát huy văn hóa bản địa kết hợp với tư tưởng văn hóa Phật giáo. Bên trong điện bức tượng Đức Thánh Gióng được thếp vàng đứng uy nghiêm càng nổi bật tinh thần yêu nước nồng nàn của Dân tộc Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu tu học ngày một đông, năm 2022 nhà chùa tiếp tục xây dựng khu Nội viện để phục vụ cho Chư Tăng Ni lớp Đào tạo Giảng sư các khóa an cư kết hạ hàng năm.
Tương lai nhiều hạng mục công trình Phật giáo sẽ được hoàn thành ngày một trang nghiêm tổ hảo. Trong xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch văn hóa tâm linh... chùa Vạn Phúc sẽ là một điểm dừng chân hấp dẫn, không thể thiếu cho du khách ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô.
“ Mái chùa che chở hồn Dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông ”
Chùa Vạn Phúc mãi là ngôi già lam luôn mở rộng cửa Từ bi - Trí tuệ đón những người con muốn trở về sống trong ánh từ quang của mười phương vô thượng Tam Bảo để cuộc sống ngày một an vui, hạnh phúc, giải thoát khỏi những phiền não khổ đau cho cả thân và tâm ngay giữa cõi đời này.