Du lịch phù lỗ

ĐỀN SỌ (ĐỀN TAM TỔNG) – NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA XÃ PHÙ LỖ, HUYỆN SÓC SƠN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày đăng 04/11/2023 | 02:30  | Lượt truy cập: 185
Khái quát về lịch sử di tích
Đền Sọ (tức Đền Tam Tổng) của xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội được xây dựng vào năm 1474 niên hiệu Hồng Đức thứ 14. Khuôn viên di tích đền Sọ được đặt tại Thôn Phố Chợ - Xã Phù Lỗ - huyện Sóc Sơn – thành phố Hà Nội. Đền Sọ xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn ở một vị trí giao thông thuận lợi ngay bên cạnh quốc lộ 3, cạnh chợ Phủ Lỗ. Khách đến di tích có thể đi theo đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, hoặc theo cầu Chương Dương theo quốc lộ 3 chừng 30 km.
Đến năm 1921, Đền Sọ trùng tu lần thứ 3, nhân dân Tam Tổng đền họp và thống nhất ngày mở hội. Rồi lập bia 8 mặt trên đỉnh Núi Sóc, trong bia có ghi: 3 đền, 9 tổng, 52 làng xã lấy Đền Sọ làm đầu. Vì vậy, đến ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm. Đền Sọ được vinh dự lên Đền Sóc tại Phù Linh làm lễ khai Hạ trong lễ hội đền Gióng tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
Năm 1922 lập Bia Đền Tam Tổng, nội dung trong bia có ghi: 3 tổng là tổng Phù Lỗ, Phù Xá và Xuân Nộn. Ngày lễ hội quy định trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 16 tháng 2 cho đến hết ngày 20 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Sáng ngày 16 tháng 2 đi lên Đền Sóc làm lễ xin phụng nghinh Bình Hương ra kiệu rước về đến Đền Mã làm lễ rồi trở về Đền Sọ làm lễ an vị. Sáng ngày 20 tháng 2 thì Đền làm lễ giã hội. Hội có các trò chơi như: thò lò, quay đất, rồi mở lắc đĩa, ca sẩm thanh minh nam nữ hát ví, đến tối thì hát chèo tuồng, đào. Các lễ nghi, lễ hội vẫn được duy trì theo phong tục cổ truyền và được bổ sung các trò chơi vui khỏe như cầu lông, bóng chuyền, bơi, thể dục dưỡng sinh, múa trống, múa quạt, chọi gà, múa lân, văn hóa văn nghệ của các đoàn văn công của tam tổng tập luyện.
Năm 2010 nhân dân xã Phù Lỗ có dựng thêm một bia nữa có ghi bài thơ ca ngợi Thánh Gióng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Kể năm hơn bốn ngàn năm
Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa
Hồng Bàng là Tổ quốc ta
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ như Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Tuổi tuy chưa đến chín mười
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương
Có thể nói Đền Sọ được xây dựng năm 1474, trải qua bao giai đoạn lịch sử của dân tộc, Đền Sọ bị mai một, tàn phá do chiến tranh và được nhân dân xã Phù Lỗ xây dựng lại vào năm 1992 trên nền móng cũ. Đền Sọ vẫn giữ được sự uy nghiêm, tôn kính vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng. Với giá trị lịch sử to lớn, Đền Sọ đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1997, góp phần cùng quần thể Đền Sóc được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Tới năm 1997, khuôn viên di tích đền Sọ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 141-QĐ/VH ngày 23 tháng 1 năm 1997, vào sổ danh mục số 2021 do Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin ký ngày 18 tháng 2 năm 1997.
Trước chiến tranh năm 1945, lễ hội đền Sọ được tổ chức với quy mô rất lớn, du khách thập phương khắp nơi đổ về lễ hội, khuôn viên lễ hội rất rộng đủ để đáp ứng lượng du khách thập phương đông đảo. Lễ hội đền Sọ nằm ở vị trí giao thông ngã 3 của trung tâm xã Phù Lỗ là nơi tiếp giáp huyện Đông Anh, trung tâm huyện Sóc sơn và Mai Đình, kinh phí tổ chức lễ hội được cả 3 nơi đầu tư cũng như đứng ra tổ chức. Trong chiến tranh, lễ hội đền Sọ không thể tổ chức do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh tàn phá, khuôn viên đền bị thu hẹp do bom đạn. Mọi hoạt động tham gia lễ hội bị dừng lại cho tới năm 1986. Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước ta dần dần khôi phục kinh tế đất nước, đời sống nhân dân dần ổn định, lễ hội đền Sọ - đền Tam Tổng được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn với quy mô nhỏ hơn và đang được sự giúp đỡ rất nhiều của nhà nước cùng nhân dân để khôi phục từ năm 1988.
 Đặc điểm về kiến trúc, cảnh quan, không gian tại đền Sọ
Đền Sọ được xây dựng bề thế từ thời Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức trên nền cũ của một ngôi đền nhỏ dưới thời Hùng Vương. Đây là công trình kiến trúc độc đáo và kỳ công, phía nam nhìn ra sông, tạo thế phong thủy kỳ vĩ, linh thiêng. Đền trải qua 2 lần trùng tu lớn vào năm 1741 và 1921 do biến cố của lịch sử, bị chiến tranh phá hoại nên Đền bị phá hủy rất nhiều. Dưới sự giúp đỡ của chính quyền và đồng lòng của nhân dân Tam Tổng đã khôi phục lại đền như ngày hôm nay. Tuy bị tàn phá nhưng những giá trị vật thể bên trong đền còn rất cổ.
Đền Sọ xây dựng theo kiểu chữ đinh (丁) với 5 gian đại tế và 3 gian hậu cung. Đại tế được làm kiểu đầu hồi bít đốc, tay ngai có trụ biểu, mái lợp ngói ta. Hai trụ biểu làm cao, uốn chop nụ hoa có các đặc tả tứ linh, tứ quý. Kết cấu tòa đại tế theo kiểu 5 hàng chân cột, bốn vì giữa làm chồng cuốn kẻ chuyền, tiền kẻ hậu bẩy, kẻ trường phía trước gối cột hiên trò bằng xi măng. Trước thềm có hiên trò bằng xi măng. Trước thềm có hiên rộng suốt 5 gian, hậu cung có 3 gian, một dĩ làm kiểu đầu hồi bít đốc với 4 vì kèo, 2 cột gỗ. Các vì kèo làm theo lối kèo tuột gối lên quá giang, xà chồng gác trường hai bên. Ở gian áp đối hậu cung xây ba bệ gạch, chính giữa là ban thờ Thánh Gióng, ban thờ mẫu mẹ và Long Vương ở hai bên. Phía ngoài còn có ban thờ Quan Quản. Trước đây hai phía ngoài sân đền là hai dãy tả mạc và hữu mạc, mỗi dãy 10 gian – dùng cho các làng đặt kiệu khi đi dự hội.
Các di vật đồ thờ của đền hiện còn: Hai ngai thờ sơn son thiếp vàng đủ cả mâm, trong đó có một chiếc ỷ nghệ thuật thế kỷ XIX với những họa tiết trang trí đầu rồng, các hình tứ linh, hoa lá. Bên trong Đền là hậu cung có tạc tượng Thánh Gióng, tượng Giám Mã, hương án, đôi hạc gỗ cao gần 3m, gươm thờ, quả chùy, bát bửu, biển lệch; bên ngoài Đền là 3 gian 2 dĩ có trang bị hoành phi câu đối, ngoài hè có 2 ông vệ sỹ; phía đông Đền có ông quan quản trông coi Đền; phía nam có xây nhà giếng là nơi Thánh Gióng gội đầu rồi hóa về trời tại núi Sóc thôn Vệ Linh, miệng giếng bằng đá xanh và nồi hương bằng đồng ghi ba chữ Hán “Tam Tổng đền”. Ngoài sân Đền là sân để tế lễ với diện tích khá hẹp, phía xung quanh sân là nơi buôn bán làm ăn của bà con chợ Phù Lỗ. Trước đây đền có diện tích là 3750 m2, hiện nay diện tích còn lại là 1712m2. Đối diện đền là Nhà Giếng nơi Thánh Gióng gội đầu trước khi hóa lên trời
Truyền thuyết gắn liền với các vị thần được thờ tại đền Sọ
Đền Sọ là một trong những hệ thống văn hóa dân gian ghi nhận về truyền thuyết Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Truyền thuyết dân gian ghi nhận tên kẻ Sọ gắn liền với người anh hùng làng Gióng, hay Phù Đổng Thiên Vương từ thời Hùng Vương thứ 6 đánh thắng giặc Ân. Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ toàn thư, kỷ Hồng Bàng Thị ghi chép lại về Thánh Gióng như sau: Tục truyền đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng thấy 1 vết chân rất to, liền đặt chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai và 12 tháng sau sinh được 1 cậu bé khôi ngô. Nhưng lạ thay! Đứa trẻ cho đến khi lên ba mà vẫn không biết, nói cười, cũng chẳng biết đi, đặt đâu nằm đấy. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời sứ giả vào, nói: "Xin cho một thanh roi sắt, một áo giáp sắt và một con ngựa sắt, vua không phải lo gì". Trong những ngày chuẩn bị vũ khí cho cậu bé trẻ ra trận đánh giặc, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn không thấy no, áo vừa mặc đã bung chỉ, cậu bé ngày nào lớn lên trở thành một chàng trai cường tráng, sức vóc phi thường. Vua ban cho thanh roi sắt và ngựa, chàng trai liền phi ngựa vung roi xông pha tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Trâu. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau mà chạy tan tác. Thánh Gióng đuổi theo, tới chân núi Sóc thì dừng. Đứa trẻ cởi áo giáp, phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng). Sau khi Thánh Gióng nghỉ chân tại một ngọn núi tại Thanh Nhàn, rồi đi qua một cái Giếng tại ngoài sân đền, ông đã gội đầu sạch sẽ trước khi cưỡi ngựa sắt lên núi Sóc rồi hóa lên trời. Cũng từ đó nhân dân quanh khu vực có Giếng đã lập đền Tứ Bất Tử Thánh Gióng và cả thánh Tam Giang. Đền Sóc, đền Mã, đền Mát, đền Sọ trở thành một hệ thống hoàn chỉnh về giai đoạn cuối của cuộc hành trình Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân, về sự tồn tại trường tồn của người anh hùng Làng Gióng. Hình tượng ấy đã đi vào tâm khảm của người Việt Nam từ bao đời nay.
Lễ hội đền Sọ (Tam Tổng)
Cứ tới ngày 16 tháng 2 âm lịch người người ở khắp vùng quanh Tam Tổng đều về đền Sọ để trẩy hội, mọi người đều về đây với tấm lòng thành, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc Việt, tình yêu đối với mảnh đất quê hương. Đền Sọ mang một bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, đền chứa đựng tinh hoa của người dân Tam Tổng dâng tới đức Phù Đổng Thiên Vương. Đó chính là sự tôn kính tới Thánh Gióng – người anh hùng trong tâm trí Việt, một hình tượng bất khuất không bao giờ có thể bị phai mờ. Ngày này hàng năm đã trở thành “ điểm hẹn tâm linh” trong mỗi người dân Tam Tổng. Dù ai ở xa, hay bận công việc nhưng cứ tới ngày này, ai cũng tìm đường để về với hội Đền Sọ cùng nhau tham gia vào lễ hội truyền thống đặc sắc của vùng đất thiêng này.
??Cuộc sống của con người Việt Nam không phải lúc nào cũng là ngày hội, mà trong chu kỳ một năm, với bao ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, lo âu, để rồi “xuân thu nhị kỳ”, “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, cuộc sống nơi thôn quê vốn tĩnh lặng ấy vang dậy tiếng trống chiêng, người người tụ hội nơi đình chùa mở hội. Nơi đó, con người hoá thân thành văn hoá, văn hoá làm biến đổi con người, một “bảo tàng sống” về văn hoá dân tộc được hồi sinh, sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến với đền Sọ, nhân dân cùng nhau đoàn kết tạo nên lễ hội, họ cùng nhau đóng góp công sức, của cải, lễ vật tạo nên lễ hội. Đó là những sản vật của địa phương nhưng thể hiện cho sự đồng lòng, đoàn kết của cả một cộng đồng. Chính điều này đã giúp cho lễ hội đền Sọ sống mãi, biểu dương cho tính cộng đồng sâu sắc của dân tộc Việt.
Lễ hội đền Sọ như một dịp để con người được trở về cội nguồn, nguồn cội tự nhiên hay nguồn cuội dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong thâm trí con người xã Phù Lỗ. Cứ đến 16 tháng Giêng, nhân dân Tam Tổng lại tụ họp về để mở hội. Họ mở hội không phải vì vui chơi mà mở hội quan trọng hơn là quay trở về với nguồn cội, quay về quê hương “chôn nhau cắt rốn”, cùng được sinh hoạt và cống hiến cho quê hương. Hội đền Sọ thể hiện ước mơ, lòng kính trọng của nhân dân Tam Tổng tới công lao bảo vệ Tổ quốc của các vị anh hùng, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ hiện tại và tương lai phải có ý thức trước quê hương xứ sở. Lễ hội đền Sọ trở thành một lễ hội tiêu biểu trong hệ thống các lễ hội về truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương.
??Từ xưa đến nay, lễ hội đền Sọ vẫn giữ vững được sự nguyên vẹn trong ý nghĩa tại ra một lực hướng tâm cho toàn bộ người dân quanh đền Sọ. Tất cả mọi người đều tham gia, cùng đóng góp để cho đền Sọ luôn tồn tại và giữ vững được ý nghĩa bản sắc lâu đời. Đền Sọ thể hiện một sức mạnh cộng đồng người dân Sóc Sơn, thể hiện ý chí đoàn kết vì một cộng đồng, vì đất nước hòa bình độc lập, phát triển tự lực tự cường.
Lễ hội luôn là một sự kiện quan trọng nhằm khơi dậy, nhắc nhở nhân dân về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là dịp tôn thờ, tôn vinh những vị thần linh, người có công với làng, khai ấp, nhân vật trong thế giới truyền thuyết, con người có thật trong lịch sử như những vị anh hùng chống giặc ngoại xâm,… Những nhân vật đó đã ăn sâu vào tiềm thức, chi phối cuộc sống, sinh hoạt của người dân, giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội chính là sự kiện để tưởng nhớ, tri ân công đức của các bậc thần linh.
Đền Sọ đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống mang ý nghĩa giáo dục cao, như nhắc nhở tới mọi người về cội nguồn dân tộc, cùng nhau đồng lòng, đoàn kết gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời. Có thể thấy, vai trò của lễ hội truyền thống rất quan trọng, không chỉ trong đời sống vật chất hằng ngày mà lễ hội còn thể hiện ý nghĩa văn hóa tâm linh, những khuôn mẫu chuẩn mực đạo đức để con người noi theo.
✍??Biên tập: Mạnh Cường
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  
  •